Top 10 đặc sản An Giang ăn một lần là nhớ mãi

An Giang từ lâu đã được biết đến là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch mỗi lần ghé thăm miền Tây Nam Bộ. Du lịch An Giang, bạn không chỉ được ngắm nhìn những danh thắng nổi tiếng mà còn được thưởng thức những món ăn pha trộn từ ẩm thực các dân tộc khác nhau. Nếu vẫn chưa biết nên ăn gì trong chuyến đi sắp tới, hãy điểm qua danh sách Top 10 món ngon đặc sản An Giang dưới đây nhé!


1. Gỏi sầu đâu

Đã du lịch An Giang, nếu không thử qua gỏi sầu đâu thì xem như chuyến đi này uổng phí. Sở dĩ nói như vậy là bởi loại gỏi này tuy đơn giản, dân dã nhưng lại đủ sức gây bao thương nhớ cho bao người phương xa, đặc biệt là những người con xa xứ. Nguồn gốc của loại gỏi đặc trưng này chính là từ món ăn của người Khmer sống dọc theo biên giới Campuchia, được biến tấu lại cho phù hợp với khẩu vị của dân địa phương.

Thành phần chính để tạo thành món đặc sản này là rau sầu đâu, được kết hợp với những nguyên liệu khác như: tôm, thịt hoặc cá cùng đủ loại gia vị và nước me chua đậm,…. Vì sự phong phú về nguyên liệu nên loại gỏi này là tổng thể hương vị hoàn chỉnh vừa đắng, cay, mặn ngọt khiến thực khách khó lòng quên được.


2. Xôi phồng chợ Mới

Một trong những đặc sản An Giang không chỉ độc đáo về hình dáng, mà còn ở cả cách làm, hình thức trình bày và hương vị chính là xôi phồng chợ Mới. Từ lâu, gạo nếp tại đây đã nổi tiếng là loại thơm ngon, chất lượng nhất vùng với những hạt tròn to, thơm và dẻo. Chúng kết hợp cùng đậu xanh và đậu phộng được xem là 3 nguyên liệu chính để tạo nên món xôi phồng.

Nhờ sự khéo léo của những người con gái xứ cù lao, các nguyên liệu được nấu chín đều, sao cho không nhão cũng không khô, sau đó để nguội hẳn. Để tạo ra sự dẻo dai, bóng bẩy cho món ăn, người làm sẽ phết chúng thật đều tay cùng với một ít dầu ăn. Sự điệu nghệ trong quá trình chế biến chính là ở bước chiên xôi phồng. Lúc này, người nấu phải canh cho dầu chiên cùng lửa ở mức vừa phải để giúp xôi chín và phồng đều. Khi chiên xong, xôi sẽ mang hình dạng như quả bóng tròn màu vàng ươm, thơm phưng phức.

Để ăn món này, thực khách sẽ cắt chúng thành từng miếng mỏng, ăn kèm cùng gà quay, rồi chấm thêm xì dầu hoặc tương ớt. Tuy nhiên đúng điệu nhất vẫn là phải ăn với nước tương ủ lên men truyền thống được làm bằng chính đậu nành ở đây.


3. Tung lò mò

Tung lò mò hay còn được biết đến bằng một tên gọi khác chính là lạp xưởng bò. Đây là món đặc sản thuộc loại độc đáo của những đồng bào Chăm theo Đạo Hồi sinh sống tại đây. Phần vỏ của tung lò mò chính là ruột bò đã được làm sạch, phơi đến khi se mặt để nhồi thịt ướp sẵn vào. Sau đó, người ta sẽ dùng loại dây mềm để thắt phần ruột lại thành từng khúc nhỏ và đem đi phơi chừng 3 nắng để có thể sử dụng được.

Món đặc sản An Giang này được đánh giá là ngon nhất khi chúng đã được phơi thật khô để thịt có thể kết chặt lại. Khi ăn, tung lò mò có vị chua nhẹ, kèm theo chút dai dai và vị thơm, béo ngậy của thịt và mỡ bò. Sẽ tuyệt hơn rất nhiều khi thực khách có thể thưởng thức chúng ngay tại bếp than và ăn kèm với phần rau răm tươi, chấm với tương ớt.


4. Bò bảy món Núi Sam

Du lịch An Giang, người ta thường không thể bỏ qua các công trình tâm linh nức tiếng như vùng Bày Núi, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Tại đây, không chỉ có những thắng cảnh nổi tiếng làm say lòng du khách mà còn có vô vàn những đặc sản gây thương nhớ cho khách thập phương, đặc biệt là Bò bảy món Núi Sam.

Để nấu được món ăn đặc sản An Giang này, các thợ nấu lành nghề đều thuộc lòng những món truyền thống như: cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, bò khía bánh mì và bò lúc lắc. Sau đó, tùy từng địa phương mà chúng sẽ thay đổi khác đi như có thêm: bò nhúng giấm, bò lá lốt, bò sa tế,….

Mặc dù một mâm bò bảy món luôn có sự khác nhau về cách chế biến, tuy nhiên chúng đều mang đến hương vị đặc trưng của thịt bò vùng núi Châu Đốc nổi danh mà không nơi nào có được. Khi mâm bò được dọn lên, hãy thưởng thức ngay khi còn nóng và dùng kèm các món như: đồ chua, chuối chát, khế xanh và gừng già để có thể cảm nhận hết cái ngon của chúng.


5. Bánh xèo Núi Cấm

Không phải tự nhiên mà bánh xèo Núi Cấm lại là một trong những đặc sản An Giang khiến nhiều người nhớ mãi không quên. Điều này là bởi món ăn là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều hương vị khác nhau nơi vùng quê dân dã, đậm chất thiên nhiên này.

Để tạo ra những lát bánh xèo ngon, các công đoạn đều được người thực hiện làm bằng tay. Bột gạo sau khi được xay nhuyễn, sẽ trộn với dừa và nước cốt nghệ tươi một cách phù hợp để vừa không bị khô, cũng không bị nhão. Nhờ sự tỉ mỉ, tài hoa của người đổ mà những chiếc bánh xèo đến với thực khách vừa mỏng nhẹ lại giòn rụm, chín đều hai mặt trông rất ngon lành.

Một tổ hợp bánh xèo hoàn chỉnh luôn đi kèm với rau rừng và nước chấm. Để tạo ra nước chấm chuẩn vị cho món ăn này thì luôn cần trái trúc. Đây là loại trái cây thường chỉ mọc ở vùng Núi Cấm, An Giang với vị chua đặc trưng, lạ miệng. Nhờ vào vị chua đó, nước chấm dường như trở nên đậm đà và đặc sắc hơn, từ đó cũng làm nổi lên cảm giác ngọt thơm của gạo lúa Sóc và các nguyên liệu khác bên trong bánh xèo.


6. Bánh canh Vĩnh Trung

Bánh canh Vĩnh Trung là món ăn được một người phụ nữ Khmer tên là Neang Oanh Na chế biến cách đây hàng chục năm. Phiên bản đầu tiên của món ăn này chính là bánh canh cá lóc đồng, theo thời gian, dần có thêm thịt bò, gà, heo hoặc tôm tùy theo nhu cầu. Dù thay đổi thế nào, phần nước lèo của chúng vẫn được ninh chắt từ cá đồng, xương heo, xương gà và tôm nên vẫn giữ trọn vẹn vị ngọt thơm đặc trưng vốn có.

Du lịch Vĩnh Trung, thực khách có thể gặp món ăn này ở mọi nơi bởi chúng đã trở thành món ăn đại trà cho dân bản địa. Chính bởi sự phổ biến đó mà hồi lâu, món ăn này đã trở thành đặc sản An Giang tự lúc nào chẳng hay.


7. Ếch kẹp nướng

Cứ tầm 3 giờ chiều, dọc các khu chợ An Giang lại nghi ngút khói với hương vị thơm lừng tỏa ra từ bếp than nướng ếch. Cái mùi này kích thích đến nỗi khiến người đi đường phải dừng xe ghé mua vài xâu cho đỡ thèm.

Món đặc sản An Giang này còn được biết đến với cái tên là Ếch nướng Bảy Núi. Đây là những con ếch béo núc, được bắt về sau đêm đi soi, trải qua giai đoạn làm sạch ruột, nhồi thịt vào bên trong và tẩm ướp gia vị. Sau đó, chúng sẽ được kẹp trong các nẹp tre, nướng trên than lửa đỏ hồng.

Để nướng được những xâu ếch ngon là cả một quá trình kỳ công và đặt hết cái tâm của người bán. Nếu lửa to quá, thịt ếch sẽ ám khói, ăn có mùi không ngon. Vì thế, lửa nướng ếch luôn phải giữ ở mức liu riu và cần liên tục trở đều tay để thịt có thể chín vàng đều hai mặt.

Trong quá trình nướng, thực khách sẽ thấy người bán liên tục phết lên trên bề mặt loại sốt được làm từ đường thốt nốt. Đây là bí quyết để giữ được trọn vẹn độ ngọt và tươi của thịt ếch, đồng thời tránh cho chúng bị khô hay teo tóp lại. Đây chắc chắn là mồi ngon để nhâm nhi cùng bạn bè trong mỗi chiều tà mà ai cũng không nên bỏ lỡ.


8. Bánh tằm bì

Nếu muốn thưởng thức một loại đặc sản An Giang vừa ngon vừa rẻ, vậy ăn bánh tằm bì là hoàn toàn hợp lý. Đây là món ăn không còn quá xa lạ đối với dân miền Nam, tuy nhiên tại miền đất An Giang, chúng lại được làm theo một công thức rất riêng khiến du khách khó lòng quên được.

Sợi tằm bì được làm từ bột gạo và bột năng trộn đều, cán qua cây cán bột dẹt rồi cắt thành từng sợi mỏng, vì thế có hình dạng khá giống sợi bánh canh. Bánh tằm bì ngon nhất là lúc được rưới ngập nước cốt dừa, ăn kèm cùng bì heo, xíu mại và một ít đồ chua. Sự kết hợp giữa mặn và ngọt khi ăn bánh tằm bì khiến nhiều người nghi ngại tuy nhiên lại mang đến một tổng thể hài hòa, ngon khó cưỡng.

Để ăn được tằm bì đúng vị nhất, hãy ghé ngay xã Tân Châu khi du lịch An Giang bạn nhé.


9. Gà đốt lá trúc Ô Thum

Món gà đốt lá chúc Ô Thum trứ danh có nguồn gốc từ Campuchia, tuy nhiên đã du nhập vào vùng Bảy Núi từ rất lâu trước đây và trở thành một trong những đặc sản An Giang làm say lòng thực khách. Để thưởng thức món ăn này, thực khách cần phải chờ khoản 40 phút để đầu bếp chế biến bởi chúng không được làm sẵn.

Về cơ bản, món ăn này làm từ giống gà đồi, ướp cùng các gia vị truyền thống như: muối, sả, ớt và tỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo hương vị đậm đà, thơm ngon và đặc trưng cho món ăn, người dân ở đây còn cho thêm lá chúc. Một con gà đốt lá chúc Ô Thum ngon đạt chuẩn phải có lớp da vàng ươm, cắn vào giòn rụm và mùi thịt hòa cùng gia vị thơm nức mũi. Khi phục vụ khách, gà sẽ được để nguyên con trong mâm kèm cây kéo, bao tay để thực khách có thể cắt xé tùy thích.

Nếu du lịch An Giang vào mùa mưa, cái cảm giác vừa cắn từng miếng thịt gà nóng hổi, dai ngọt, thơm lừng, vừa trò chuyện cùng bạn bè thì sẽ chill phải biết.


10. Cháo bò Tri Tôn

Cuối cùng, chốt sổ cho danh sách top 10 đặc sản An Giang chính là cháo bò Tri Tôn. Đây là món cháo mang đậm đà hương vị xứ núi với nguyên liệu chính là thịt bò bản địa cùng bộ lòng đã được làm thật sạch.

Để thưởng thức hết độ ngon của món ăn, thực khách nên dùng thật chậm rãi, đồng thời ăn kèm với lá lách, giá đỗ, rau thơm và cả trái chúc. Nhiều người cho rằng thiếu đi trái chúc, món cháo dường như đã mất đi “ phần hồn” bởi không thể lột tả hết cái ngọt thơm vốn có. Đặc biệt, cháo bò Tri Tôn luôn được dọn kèm một phần bún thêm. Đây được xem như một tổng thể lạ lùng nhưng lại khiến món ăn trở nên hài hòa hơn.

Việt Nam ta không thiếu các món ăn ngon, tuy nhiên đặc sản An Giang vẫn luôn khiến thực khách nhớ mãi bởi cái sự hương vị đậm đà của chúng. Bởi vì nền ẩm thực nơi đây là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, lại được thiên nhiên ưu ái về thời tiết, thổ nhưỡng, vì thế mà những món ăn tại An Giang vẫn luôn phong phú hơn nhiều nơi khác. Nếu đã dừng chân ở vùng đất này, bạn hãy thử thưởng thức qua các món đặc sản nơi đây để chuyến đi thêm phần trọn vẹn.

error: Nội dung được bảo vệ!